Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Những tấm gương sáng của những thí sinh có công với cách mạng trước 1945 - thông tư 11/2014/TT-BGDĐT quả là tuyệt vời

Theo thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014. Thì chính thức từ ngày 2/6/2014 có nhiều chế độ đặc biệt cho con của người hoạt động cách mạng trước 1945 khi đi thi Trung Học Cơ Sở và Trung Học Phổ Thông . 

Nhân bàn chuyện này chúng ta có thể nhẩm tính 1 phép tính đơn giản: 
+ Người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 nếu còn sống đến năm 2014 tối thiểu 80 tuổi, già có thể cả trăm tuổi (đấy là tính hoạt động cách mạng từ 10 tuổi ).
+ Con của người hoạt động cách mạng trên, tuổi sẽ giao động ước tính trong khoảng từ 80 tuổi xuống đến 20 tuổi ( đấy là tạm tính có người đến 60 tuổi vẫn sinh con).
Theo cách tính trên chúng ta sẽ nhẩm được đa số tuổi đa số của đối tượng được ưu tiên nằm ngoài độ tuổi đi thi THCS và THPT. Vậy tại sao nhà nước ta lại ra chính sách muộn như vậy? Có phải là quá muộn không? 
Theo lề câu chuyện, tôi nghĩ dù muộn nhưng rất cần thiết để động viên các "U50, U60" đi học. Qua báo chí có những tấm gương không ngừng học tập như:
Ông già 60 tuổi đi thi . Ông chính là thầy giáo Lương Đình Khánh ở xã Tam An, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông đã từng bị hội đồng thi mời ra khỏi phòng một cách nhã nhặn: ""Sắp đến giờ đọc đề thi, mời bác ra ngoài để cho cháu tự lực làm bài!". Vì tưởng là phụ huynh của các cháu đi thi - tại kỳ thi đại học 1999-2000, ở khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế. 
Ông Lương Đình Khánh - Sinh 1941 - Thi đại học sư phạm Huế khoa sử năm 1999.


Lão thí sinh lần lượt giải thích với mọi người, và đúc kết bằng 2 câu thơ ứng tác đầy khí khái Quảng Nam:
"Nếu phải tranh ăn thì đáng dị (mắc cỡ)
Nhưng mà chữ nghĩa thấy còn ham".
- Sinh viên U.60
Mùa thi năm ấy, ông Lương Đình Khánh đỗ vào khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế. Sau tốt nghiệp ông còn mơ ước bằng Thạc Sỹ. 
               Hay kể đến một thí sinh nhỏ tuổi hơn - ông đi thi THPT khi đã 53 tuổi- thí sinh Nguyễn Ngọc Mới - (sinh năm 1961, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dù tuổi đã lớn vẫn quyết chí đi thi để lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp ba.
Bác Mới đang ôn bài tại nhà sau buổi thi thứ nhất.
          Qua hai ví dụ trên đã thấy được thông tư mới này thật sự nên có và rất cần thiết. Bởi học là không đợi tuổi. Nên luôn cần có các chính sách hỗ trợ cho người lớn tuổi được ưu đãi hơn khi quyết tâm vượt qua khó khăn nắm bắt kiến thức.

          Thế hệ trẻ ngày nay đã được ăn ngon mặc đẹp, được đầy đủ sung túc quá nên việc học không còn được coi là quý giá. Một bộ phận các bạn trẻ còn coi việc ăn chơi tiêu tốn tiền của và làm buồn lòng cha mẹ làm thói quen hàng ngày. Cũng với tâm sự đó mà già làng Xa Văn Thế dân tộc Tày - ở xóm Nhạp Trong (xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, Hòa Bình) đã đi học THCS năm 2001 ở tuổi 73. Ông mang tâm sự muốn làm gương hiếu học cho con em dân bản học tập, nên đã không ngại ngần hàng ngày xách cặp đến lớp học cùng các "bạn" nhỏ và được bầu làm lớp trưởng vì lớn tuổi. Sau 2 năm, ông đã nhận bằng tốt nghiệp THCS khi 75 tuổi.
Già làng Xa Văn Thế và tấm bằng tốt nghiệp THCS được nhận năm 75 tuổi.
Câu chuyện tôi viết ra có vẻ dài và có khi còn hài hước. Khi các cụ đã ở tuổi được con cái chăm lo dưỡng già nhưng lại còn dành thời gian học. Mà lại còn cái lý thuyết: " Học để dưỡng già"  đấy là cái " lý" mà 3 "Cụ" sinh viên ở thôn Tân Thượng  -xã  Tân Mỹ - Bắc Giang  đã quyết tâm rủ nhau đi học.
Hai sinh viên Nguyễn Hoàng Ân (SN 1933), nguyên là kế toán trưởng công ty ngoại thương Hà Bắc thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.  Và ông Nguyễn Văn Thành (74 tuổi), nguyên là trưởng phòng của viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang.
Ngày đầu đến lớp, nhiều sinh viên cứ tưởng cụ Ân là giáo sư đến giảng dạy. Ai gặp cũng nói: “Em chào thầy ạ”. Có người còn hỏi: “Cụ ơi cụ đi tìm ai thế”. Lúc đó cụ Ân cười tủm tỉm: “Tôi đi tìm chữ”. Và chỉ đến khi thầy giáo điểm danh, đến tên mình cụ Ân đáp “có” cả lớp mới ngỡ ngàng hiểu ra cái ông cụ với mái đầu tuyệt không còn một sợi tóc đen ấy chính là sinh viên.

ông Ngô Thế Hưng (60 tuổi) bạn học của 2 ông Ân và ông Thành chuẩn bị đến trường.
Ngày khai giảng, nhà trường đã mời cụ Thành  là người đại diện cho nhóm cao tuổi nhất lên để phát biểu cảm tưởng. Tôi cũng không nói gì nhiều đâu, chỉ xin phép đọc một bài thơ với nội dung thế này: Công bằng dân chủ văn minh / Xã hội tươi đẹp do mình do ta / Thì không phân biệt trẻ già / Đoàn kết học tập tạo đà vươn lên... Tôi vừa phát biểu dứt lời thì thầy hiệu trưởng chạy lên và nói: “Bác cho cháu xin bản thảo bài thơ này nhé”, ông Thành tự hào chia sẻ.
Gần 4 năm trôi qua, giờ cả ba ông đều đã là sinh viên năm cuối khoa Luật Kinh tế của viện Đại học Mở. Hỏi các ông có phải thi lại bao giờ không? Thì cụ Thành và cụ Ân nhìn nhau cười tủm tỉm: “Sinh viên mà, cũng phải thi lại chứ. Ông Ân tai hơi nghễnh ngãng nên phải thi lại nhiều hơn tôi”.
               Do giới hạn cho phép của bài biết cũng như tầm hiểu biết thông tin nên tôi không thể kể hết ra đây những tấm gương sáng trong học tập của thế hệ những  người đi trước. Nhưng tôi tin Nhà nước luôn có những thông tư hợp lý nhất và ngày càng hoàn thiện để đền đáp cho những người có công với cách mạng. Thế hệ đã đổ mồ hôi xương máu cho chúng ta có ngày hôm nay. Là thế hệ trẻ, chúng ta hãy cùng nhau hứa học tập theo gương các "Cụ"  như lời dặn của Bác Hồ " Học - học nữa - học mãi ".



Thông tư cụ thể tham khảo như sau:
Theo nội dung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT và Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014, điểm a khoản 2 Điều 7 quy định đối tượng được cộng điểm ưu tiên: Sở Giáo dục và đào tạo quy định điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, gồm: Nhóm đối tượng 1: Con liệt sĩ; Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”. 

Nay, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư Bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11.2014/TT BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ngày 26/5/2014 ghi rõ bổ sung đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên là:
- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
- Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2 tháng 6 năm 2014.
                                                                                                         Chắp bút: Cỏ Dại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét